Cơn mưa rào tuổi trẻ
- An Duyên
- Oct 21, 2019
- 7 min read
Hành trình đến vương quốc Hồi giáo đánh dấu quãng đời thanh xuân tôi, đủ để tôi mỉm cười nghĩ ngợi giữa cái “vội vàng và sung sướng một nửa”…
Ở trên cao, nơi tôi đến tựa cánh rừng dải màu xanh ngút ngàn, điểm xuyết vào đó là vài dãy nhà ngăn nắp. Đặt chân tới sân bay Kuala Lumpur trong cơn mưa rào rạt khiến lòng tôi cũng dạt dào theo. Sân bay nhộn nhịp nhất Châu Á trong mắt tôi rộng quá, nhiều cây quá và tôi muốn hét quá! Theo biển chỉ dẫn khá dễ hiểu, tôi vẫn không biết phải làm sao để đến được chỗ lấy đồ ký gửi. Mũi tên dừng lại ở chỗ tàu điện khiến tôi hoang mang style ghê gớm. Thay vì đi xe buýt như Việt Nam thì sân bay bên Malay sẽ có tàu điện cao tốc đưa mình đến khu nhập cảnh và lấy đồ.
Lang thang trong sân bay hiện đại, rộng gấp n lần Tân Sơn Nhất, chúng tôi tham khảo giá cả xe cộ để đi về thủ đô Kuala Lumpur. Hữu duyên làm sao, một chú lái xe Uber người Công giáo chở chúng tôi về thành phố. Nhìn thấy chuỗi tràng hạt trên xe mà mừng như ba vua trông thấy ngôi sao làm dấu chỉ. Vui nhưng vẫn chưa quên cái cảm giác ngỡ ngàng về dàn taxi hãng Mecedes ở ngoài sân bay. Cứ vậy, theo hành trình xe 4 bánh mà tài xế ngồi bên phải, Malaysia dần ghi vài vệt hình trong tâm trí.
Thị thành xứ khác
Đường về KUL giống như hành trình xuyên… cây với những mỏm đổi khấp khởi. Chú lái xe đi với vận tốc hơn 120km/h, vừa đi vừa kể về Malaysia với niềm tự hào của một người gốc Hoa. Nói đến Mã Lai là nói đến cọ với những đóng góp to lớn của nó cho sự phát triển kinh tế. Chỉ đứng sau Indonesia về việc sản xuất dầu cọ, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đạt tới 45.612 triệu RM (và nhân với 5.114 lần để biết số tiền Việt).
Trả lời cho thắc mắc là tại sao Malaysia lại ít xe máy đi trên đường thế thì chú lái taxi bảo, đi xe máy ở đây rất nguy hiểm. Thêm vào đó thì phương tiện công cộng của Malaysia khá phát triển như tàu sắt trên cao từ khu ngoại thành vào trong thành phố. Chỉ mất 55MR (gần 300.000 VNĐ), mọi người có thể đi từ sân bây KUL tới trung tâm thủ đô với quãng đường dài gần 50km và chỉ hơn 30 phút. Ở trung tâm thì có hệ thống xe buýt miễn phí với 6 đường màu khác nhau là: tím, xanh dương, xanh lá, vàng, cam. Mọi người thì không phải chen lấn xô đẩy nhau vì cách 5 phút xe có một xe cùng màu xuất hiện. Xe thì khá rộng rãi, có wifi miễn phí và có chỗ dành riêng cho người khuyết tật. Nói đến đây mới nhớ, Malaysia khá quan tâm đến nhóm yếu thế trong xã hội theo nhận định chủ quan của tôi. Bởi, những nơi công cộng như xe buýt, trung tâm thương mại, công viên đều có lối đi và chỗ dành riêng cho người khuyết tật. Ở nhà thờ St. Francis Xavier thì có những người chuyển ngữ sang ngôn ngữ ký hiệu để những ai câm điếc tham dự có thể hiểu.
Trước khi về KUL thì chúng tôi được ghé thành phố nhân tạo Putrajaya, trung tâm hành chính của Malaysia. Putrajaya cách thủ đô 30km và là một thành phố non trẻ vì mới được 22 năm tuổi đầu. Theo lời kể thì trước đây, nơi này khá rậm rạp và hoang sơ. Nhưng vì thủ đô KUL quá chật chội nên chính phủ xây dựng nơi đây làm đầu não quốc gia. Cây cầu Seri Gemilang dài 24m, 6 làn xe lưu thông rộng 3,5m được bắc ngang hồ manmade nối liền trung tâm hội nghị với quảng trường Putrajaya.
Tòa nhà Perdana Putra, nơi làm việc của Thủ tướng và cơ quan hành pháp, được thiết kế với mái vòm màu xanh ngọc bích. Là sáng lập viên của ASEAN, trước tòa nhà quốc hội có treo cờ của các thành viên gồm 10 nước. Phía Tây của tòa nhà là đền thờ Hồi giáo Putra Mosque rộng lớn với sức chứa 15.000 người. Vào mỗi ngày thứ Sáu trong tuần, những người đàn ông trưởng thành đến ngôi đền để hành lễ và hướng về thánh địa Mecca. Vào thăm quan đền, tất cả đều được miễn phí từ việc gửi xe, mặc áo màu đỏ có mũ dài tới gót chân, hướng dẫn viên. Cô hướng dẫn viên lớn tuổi đeo khăn hijab thì hăng say truyền giáo với tin thần cao hơn cả mái nhà 116m của nó.
Putrajaya là một niềm tự hào của người Malaysia vì một thành phố hiện đại, xanh mướt với đội phủ cây là 40% từ cây và hồ chứa nước với công dụng là điều hòa khí hậu. Nhìn từ trên cao, thành phố này gọn gàng và ngăn nắp với tư duy sắp xếp nhà cửa, nước nôi, lối đi lại. Nhưng lạ là, thành phố này lại chẳng quan tâm đến việc trưng bày cờ quạt, khẩu hiệu để tung hô, ca ngợi người đã gầy dựng nơi đây từ mảnh đất trống. Lúc này thì tôi nhớ về một thành phố xinh đẹp, đáng kính “bị băm nát” đầy tính hô hào…
Cứ đi đi…
“Cứ đi đi vì cuộc đời cho phép” là câu hát trong bài “Vì tôi còn sống” của ca sĩ Tiên Tiên là câu mà tôi khá thích. Đi để biết mình nhỏ bé cỡ nào giữa thế giới bao la này. Đi để biết rằng… bảng điểm tiếng anh với những số 10 tròn trịa của tôi đã đánh gục tôi. Buổi đầu hội thảo, tôi tưởng chừng như mình đã giãn hết não, căng hết tai để có thể nghe bì bõm những gì tham dự viên nói. Những lúc này, mặt mày tôi ngơ ngác và đùng là “không cảm xúc” luôn khi mọi người cười mà mình không hiểu lý do tại sao.
Những lúc tôi bị “hẫng” vì nói không ai hiểu, nghe không hiểu ai thì mọi người lại ân cần an ủi. Tôi nhớ ông Augustine, một biên tập viên cao cấp tại đài truyền hình Singapore đã xoa vai tôi và nói: “Không sao cả. Cháu có thể nói chậm, cháu làm được”. Rồi những nhà báo lớn tuổi, giỏi giang khác thì động viên: “Giọng cháu hay lắm, hãy nói nhiều lên!”. Và khi nhóm tôi trình bày về ý tưởng nhỏ bé của mình, mọi người đã vỗ tay tán thưởng vì “đó là những tiếng nói của người trẻ!”. Họ luôn tôn trọng người khác, những ý kiến ngoài mình và sức mạnh của người trẻ. Cho dù, những đứa trẻ ấy đang bập bẹ nghe hiểu mà thôi!
Hội thảo tôi tham dự bắt đầu khá muộn, từ 9g sáng. Mọi người khá bất ngờ khi nghe kể rằng , ở Việt Nam, tôi dậy từ 5,6g sáng để chuẩn bị đi học và tiết học bắt đầu từ 7g00. Nhưng chuyện sớm sủa đó cũng không giải quyết được vấn đề gì vì tôi thấy sự tập trung cao độ trong công việc khác với trên trường. Buổi thứ hai hội thảo, dù đã quá trưa nhưng ai nấy vẫn hăng say chia sẻ về những thách thức trong việc tác nghiệp báo chí ở địa phương. Đến khi vấn đề được làm gọn ghẽ là lúc 13g00 và bữa trưa trở thành bữa chiều. Khi kết thúc hai ngày hội thảo thì mọi người “xõa” thực sự. Tôi thấy sự gắn kết giữa những lứa tuổi khác nhau trong quán bar sau giờ ăn tối cuối cùng với nhau. Tôi thấy mọi người vui vẻ, nghe nhạc, uống bia, rượu và cùng nhau nhảy. Đúng là làm hết sức và chơi hết mình.
“Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng thiết thực” – đó là những gì tôi học được từ buổi hội thảo. Tham dự viên được chia ra các nhóm nhỏ, đưa ra ý tưởng của mình và trình bày. Tuy nhiên, đề xuất phải thiết thực, phải thực hiện được ngay lập tức, ngay sau khi thuyết trình xong. Đó là những vấn đề cụ thể, đo lường được và thực hiện trong thời gian cho phép. Nó khác với những gì ở trường tôi học. Nó chẳng giống với những thứ cao siêu, lý tưởng cho một “thiên đường” tôi được trang bị… Cần hơn, suy nghĩ sát thực tế.
Rời Malaysia
Tạm biệt Mã Lai trong cái hồng tím đượm buồn của hoàng hôn. Màu chiều rủ xuống hàng cây cọ quanh sân bay KUL khiến lòng tôi lặng đi. Vẫy tay chào mà như có cảm giác như rơi rớt điều gì nơi đây. Trên chuyến bay trở về Hà Nội, tôi không còn phải căng tai nữa khi quanh mình bây giờ là những Việt kiều về nước. Họ ồn ào kể chuyện chuyến đi du lịch xuất ngoại. Họ vui vẻ khoe những món đồ hàng hiệu tự mình xách tay. Nghe nói, họ làm trong cơ quan của một thành phố và đang mong mỏi về một Việt Nam có nhiều cửa hiệu Zara hơn… để khỏi đi xa.
Ai đó đã nói, tuổi trẻ như một cơn mưa rào. Đúng thật! Cơn mưa rào đó qua nhanh và để lại những vũng nước. Bạn có quyền chọn đứng dưới mưa, tắm té cuộc đời mình hoặc chạy nhanh về nhà và tìm nơi khô ráo. Tôi thì mong tuổi trẻ của được như thơ Xuân Diệu: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
An Duyên
15/3/2017
Comments